[VN.] Gián điệp nghe lén: Ông Putin than từng bị phương Tây “giả nhân giả nghĩa”


Thủ tướng Đức và Tổng thống Nga.

Theo Tiếng nói nước Nga, những tình tiết căng thẳng về gián điệp đang gây tổn thất mối quan hệ giữa Đức và Hoa Kỳ.

Tuần này, Đức công bố trục xuất một điệp viên tình báo Mỹ làm việc tại Đại sứ quán ở Berlin. Bước làm kiên quyết được thực hiện sau khi Đức phát hiện hai điệp viên Mỹ trong các cơ cấu an ninh của mình. Tình hình càng trầm trọng kể từ vụ bê bối năm ngoái xung quanh các hoạt động của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ NSA trên lãnh thổ Đức.

Việc có tới hai điệp viên Mỹ bị Đức phát giác đã trở thành sự kiện vô tiền khoáng hậu. Một người là nhân viên Bộ Quốc phòng Đức, người thứ hai làm việc trong Cơ quan tình báo Đức. Cả hai đều thực hiện cung cấp tài liệu bí mật theo yêu cầu của tình báo Mỹ.

Một ủy ban đặc biệt được thành lập tại Bundestag (Quốc hội) với nhiệm vụ đánh giá qui mô thiệt hại từ hoạt động của hai điệp viên này. Điều rõ ràng là mối quan hệ tin cậy giữa Berlin và Washington đã bị tổn thất.

Thủ tướng Angela Merkel chỉ thị giảm tối đa sự hợp tác giữa các cơ quan tình báo hai nước. Phản ứng mạnh mẽ như vậy thậm chí đã không xảy ra năm ngoái, khi cựu nhân viên NSA Edward Snowden công bố thông tin về hoạt động do thám của tình báo Mỹ trên toàn thế giới, kể cả nghe trộm điện thoại bà Merkel.
Nhà chức trách Mỹ buộc phải xin lỗi và bào chữa sự thật bị phanh phui. Nhưng không vì vậy mà Mỹ chịu ngừng các hoạt động theo dõi Đức — đồng minh chính của mình ở châu Âu, — ông Roman Romachev, người đứng đầu cơ quan công nghệ tình báo Nga R-Techno cho biết.

“Bản thân tình báo Đức BND đã được xây dựng dưới sự bảo trợ của CIA. Trong nhiều năm, CIA giám sát công việc của BND. Vì vậy, chẳng lấy gì làm ngạc nhiên khi Đức phát hiện điệp viên của Mỹ trong cơ cấu an ninh nhà nước. Hơn nữa, ở Đức hiện nay vẫn còn nhiều căn cứ quân sự Mỹ. Người Mỹ cố gắng bằng mọi cách nắm quyền kiểm soát Đức.”

Nhà Trắng không bình luận gì về vụ việc và chỉ nhấn mạnh sự cần thiết hợp tác chặt chẽ hơn nữa với Đức «trên tất cả các mặt trận.» Nhưng trên báo chí Mỹ xuất hiện không ít ý kiến cho rằng người Mỹ phải tiếp tục hoạt động do thám để bảo đảm các lợi ích của mình. Lập luận được nêu là Washington không thể tin tưởng chắc chắn khi Berlin duy trì quan hệ đối tác với Moscow.

Trả lời câu hỏi trước báo giới, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gọi việc gián điệp không gian mạng nhằm vào thủ lĩnh các nước đối tác không chỉ là những động thái đạo đức giả lộ liễu, mà còn xâm phạm trực tiếp đến chủ quyền quốc gia. Chính Tổng thống Nga cũng từng vấp phải những việc làm “giả nhân giả nghĩa” của vài đại diện phương Tây.

Một trường hợp được biết đến là việc Tổng thư ký NATO đương nhiệm Anders Fogh Rasmussen, khi còn làm Thủ tướng Đan Mạch đã đề nghị gặp riêng ông Putin nhưng bí mật ghi băng cuộc trò chuyện rồi sau đấy công bố nội dung lên mặt báo. Như ông Putin nhận xét, «liệu có thể nói về sự tin cậy nào sau những sự vụ như vậy?».

Trong trường hợp chỉ có thể hi vọng vào sự đứng đắn của đối tác, cần tuân thủ chặt chẽ các quy tắc về an toàn, ông Roman Romachev nhấn mạnh.

“Tổng thống Nga có điều kiện sử dụng các công nghệ cho phép những cuộc trao đổi của ông không bị nghe trộm. Trong trường hợp Đức, tất cả mọi người đều biết là Thủ tướng Angela Merkel tích cực dùng điện thoại di động. Do đó mà có vụ bê bối nghe lén điện thoại của bà. Các chính trị gia Đức không hẳn đã đúng khi tiếp cận vấn đề kỹ thuật an toàn.”

Trong bối cảnh vụ bê bối gián điệp tại Đức, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Moscow sẵn sàng tham gia phát triển một hệ thống an ninh thông tin quốc tế.
THÚY HÀ

Роман В. Ромачев